No Result
View All Result
themillennials.life
  • Trang Chủ
  • Shopping
    • Brands
    • News
  • Entertainment
    • Cine
    • Book
  • Explore
    • Foods & Drinks
    • Stay
    • Destination Review
  • Lifestyle
  • Trang Chủ
  • Shopping
    • Brands
    • News
  • Entertainment
    • Cine
    • Book
  • Explore
    • Foods & Drinks
    • Stay
    • Destination Review
  • Lifestyle
No Result
View All Result
themillennials.life
No Result
View All Result
Home Lifestyle

Sống xanh như thời "ông bà anh"

by user
August 29, 2020
0
325
SHARES
2.5k
VIEWS
Share on FacebookShare on Twitter

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết của xã hội hiện đại. Vì thế, nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, đã bắt đầu theo đuổi lối sống bền vững để phần nào giảm thiểu những tác động xấu con người gây ra cho môi trường. Vậy nhưng cho dù có “tích cực” thay đổi như thế nào thì chúng ta vẫn chỉ là những kẻ đi sau thôi vì ông bà mình đã làm vậy từ cả chục, thậm chí cả trăm năm trước rồi.

Mặc dù kiết nhưng tính hà tiện của thầy đồ đôi lúc cũng chứng minh tinh thần xanh vô cùng đấy!

Sống xanh thời “ông bà anh” tất nhiên không đến mức quá đáng một thau nước dùng cả chục lần như thầy đồ Kiết, tuy nhiên có một sự thật không thể phủ nhận rằng lối sống bền vững là một trong những nét văn hóa của người Việt. Chúng ta cứ thử xem xét những dẫn chứng dưới đây nhé.

KHI GÓI HOẶC BÀY THỨC ĂN

Từ ngàn xưa, ông bà ta đã làm rất tốt công việc tối ưu hóa nguồn lực bằng cách tận dụng… tất cả những thứ có thể, không bỏ sót bất cứ cái gì. Trồng một cái cây, thân thì lấy gỗ, hoa quả hạt thì thu hoạch để chế biến thức ăn hoặc trao đổi buôn bán, rễ thì làm thuốc, lá thì được dùng để gói bánh hoặc gói các thức quà thường ngày.

Bình thường chẳng ai ăn lá, nhưng khi chúng góp mặt trong nào bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh gai, … thì lại góp phần không nhỏ trong việc tạo ra nét đặc trưng mang đậm hương vị Việt cho món ăn.

Thời xưa dĩ nhiên chưa có những khái niệm như biến đổi khí hậu hay bảo vệ thiên nhiên gì rồi. Tuy nhiên ngày nay ngẫm lại thì ông bà mình đi trước trào lưu ra phết. Dùng lá gói đồ ăn – đặc biệt là lá chuối – có rất nhiều lợi ích đấy, The Millennials Life kể ra một ít nhé:

  • Lá chuối chứa nhiều polyphenol – chất chống oxy hóa tự nhiên. Thực phẩm bày trên lá chuối hoặc gói bằng lá chuối sẽ hấp thụ polyphenol từ lá. 
  • Lá chuối còn có đặc tính kháng khuẩn, do đó thực phẩm lâu hư hơn
  • Bề mặt lá chuối có một lớp phủ sáp (waxy coating). Lớp phủ này vừa tiện lợi nếu muốn gói đồ ăn có sốt, vừa giúp món ăn có thêm hương vị đặc trưng. 
  • Thân thiện với môi trường: lá chuối là vật liệu có thể phân hủy sinh học 100%, chỉ riêng điều này đã là điểm cộng lớn so với hộp xốp hay túi ni-lông rồi.
  • Thân thiện với người dùng: bạn muốn gói nhiều thì dùng cả lá, gói ít thì cắt lấy một mảnh; hơn nữa lá chuối chỉ cần làm sạch bằng nước là có thể sử dụng, khi dùng xong vứt luôn không cần phải rửa.

Ngày nay, các sản phẩm làm từ nhựa được sử dụng rất phổ biến do tính tiện lợi của nó. Có sử dụng tất nhiên sẽ có thải bỏ, và rác thải nhựa là một trong những loại rác thải gây hậu quả nặng nề nhất cho môi trường. Nhựa dễ sản xuất nhưng khó phân hủy, hơn nữa chúng không phân hủy sinh học, tức không hoàn toàn biến mất, mà chỉ là từ một mảnh lớn tách ra thành nhiều mảnh nhỏ khác. Căn cứ vào mức độ tiêu thụ hiện nay, các chuyên gia cho rằng có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc được đổ thẳng xuống biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thời gian phân hủy của các sản phẩm làm bằng nhựa
Ảnh: WWF

Vậy giải pháp cho vấn đề không có thời gian trồng chuối lấy lá đồng thời không dùng nhựa để bảo vệ môi trường sẽ là gì?

Vải sáp ong (beeswax wraps) có thể thay thế màng bọc thực phẩm (plastic wraps), túi ni-lông (plastic bags) và hộp xốp (foam boxes) để gói hoặc đựng thực phẩm.
Đơn giản như tên gọi, vải sáp ong được tạo ra từ… vải và sáp ong. Vải không thấm nước, sau khi dùng có thể vệ sinh để tái sử dụng, tiết kiệm chi phí so với khi sử dụng màng bọc thực phẩm, và có khả năng phân hủy sinh học.
Lưu ý nho nhỏ là không dùng vải để trực tiếp bọc các loại thịt tươi sống và những trái cây có tính axit cao (cam, chanh, quýt), thay vào đó bạn có thể cho chúng vào bát, đĩa, lọ đựng, rồi dùng vải bọc ngang miệng.

KHI ĐI CHỢ HOẶC LÚC CẦN MANG THEO THỨC ĂN

Tuổi thơ của các bạn 8X và 9X đời đầu chắc không xa lạ với hình ảnh cặp lồng treo tòng teng trên xe bố mẹ mỗi sáng, bên trong là thức ăn cho bữa trưa được chuẩn bị sẵn từ sáng sớm. Cặp lồng (hay cà mèn, gà mên, tùy theo cách gọi của những vùng miền khác nhau) đối với gia đình người Việt xưa có lẽ cũng quan trọng không kém nồi cơm và bát đũa. Từ những hộp sắt tây một ngăn, những chiếc cà mèn dần được nâng cấp lên thành lồng nhôm, lồng nhựa, hai ngăn, ba ngăn, thậm chí bốn ngăn cũng có. Cơm trưa mang đến cơ quan được đựng trong cặp lồng. Ra đầu đường mua bát phở cho ông bà cũng xách theo cặp lồng. Và ấn tượng khó phai nhất có lẽ thuộc về những cặp lồng nhựa trắng nắp xanh chuyên dùng để đựng thức ăn đem vào chăm người ốm trong bệnh viện.

Ngày nay, cũng vì lý do tiện lợi mà hình ảnh của những cặp lồng cơm dần được thay thế bằng hộp xốp, hộp nhựa, túi ni-lông, ly nhựa,… tất tần tật thể loại đồ nhựa dùng một lần. Buồn ghê luôn đó mọi người!

Thay vì dùng đồ nhựa, sao chúng ta không bắt chước ông bà mình dùng hộp đựng thức ăn? Nhà bạn không có cặp lồng cơm nào cũng không sao, hiện tại chúng ta có vô vàn lựa chọn hộp đựng thức ăn, bình nước cá nhân, bộ dụng cụ ăn uống cá nhân mà đúng không?

KHI… ĐẾN MÙA “DÂU”

Ở cái thời chưa có Diana Sensi siêu thấm mát lạnh, cũng chưa có Omo đánh bay mọi vết bẩn cứng đầu thì người ta giải quyết vấn đề tế nhị này như thế nào?

Phụ nữ thời xưa thường dùng vải sạch khâu thành một cái túi nhỏ dài gắn vào thắt lưng để giữ vệ sinh mỗi mùa dâu chín. Bên trong túi độn tro, bông, có khi có thêm một ít vị thuốc Bắc để khử mùi và khử trùng trong thời gian mang túi. Ngoài ra, các bà các mẹ còn sử dụng vải xô hoặc vải màn, nén lại nhiều lớp, đặt bên trong quần lót để thấm hút kinh nguyệt như cách chúng ta dùng BVS bây giờ vậy.

Thời nay chúng ta có băng vệ sinh (BVS), tampon, cốc nguyệt san (CNS),… là những giải pháp vừa tiện lợi vừa hợp vệ sinh cho những ngày dâu rụng, không cần phải lích kích rườm rà túi này túi nọ, vừa mất thời gian vừa không đảm bảo an toàn về mặt vệ sinh. Thế nhưng… (có một chữ NHƯNG vô cùng lớn):

  • Nhựa PE (polyethylene) và nhựa PP (polypropylene) được sử dụng trong BVS và tampon là nguồn rác thải nhựa lớn.
Bao bì, phần ống đẩy và phần dây của tampon, mặt dưới chống thấm cũng như mặt trên hút dịch của BVS đều có nhựa góp mặt.
  • Tampon và BVS đều là những sản phẩm không thể tái sử dụng (reuse): điều này thì… vô cùng hiển nhiên rồi, theo lý thuyết thì vẫn có thể tái chế (recycle) nhưng việc này cũng không phổ biến vì lý do vệ sinh

Do kinh nguyệt và sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên việc lựa chọn sử dụng sản phẩm gì hoàn toàn thuộc về quyền quyết định của mỗi người. Thế nhưng, The Millennials Life vẫn sẽ giới thiệu qua một số sản phẩm giúp giảm tải rác thải nhựa để bạn tham khảo nhé.

  • Băng vệ sinh vải: Về cơ bản chỉ khác chất liệu (được làm từ nhiều lớp vải) còn hình dáng và cách sử dụng như loại BVS thông thường. Vì được làm bằng vải nên bạn có thể dùng lại nhiều lần, sau mỗi lần dùng vệ sinh băng sạch sẽ. Tuy nhiên, nhược điểm của BVS vải là khả năng thấm hút không bằng các sản phẩm BVS thông thường, hơn nữa khá bất tiện trong việc xử lý sau khi thay băng trong ngày. Do đó, The Millennials Life nghĩ BVS vải sẽ thích hợp cho những ngày lượng máu ra không nhiều, hoặc để thay thế BVS loại hàng ngày dùng giữa chu kỳ. Không hoàn toàn thay thế BVS thông thường được, nhưng chúng ta giảm được cái nào hay cái nấy đúng không?
  • Cốc nguyệt san: Mặc dù thuộc hàng “em út” trong team các sản phẩm chăm sóc sức khỏe kinh nguyệt, nhưng CNS đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của chị em vì tính tiện lợi và độ thoải mái của nó. Thông tin về CNS đã nhiều rồi, nên The Millennials Life chỉ lưu ý một xíu, rằng bạn nên tìm hiểu kỹ cũng như nên nhận tư vấn cụ thể của người có chuyên môn trước khi quyết định rinh về 1 em CNS, lý do vì giá thành một chiếc CNS khá cao, mua về không dùng được thì… hơi đau ví.

KHI QUẦN LÀ ÁO LƯỢT RA ĐƯỜNG

“Ăn lấy chắc, mặc lấy bền” – câu tục ngữ quen thuộc thể hiện rõ tinh thần sống bền vững của ông bà mình: ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Ăn thì chú trọng “ăn kỹ, no lâu”, ăn đúng thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, không lãng phí và không ăn uống linh tinh, qua loa. Mặc thì cốt sao cho vừa bảo vệ được cơ thể thật tốt vừa sử dụng được thật lâu. 

Nhưng thời nay thì khác. Nhiều người cho rằng hiện tại, “ăn chắc mặc bền” đã không còn cần thiết để trở thành một quy chuẩn của cuộc sống như trước đây. Điều này hợp lý, vì với mức sống cao hơn và nhiều lựa chọn đa dạng hơn, rõ ràng chúng ta không cần phải tằn tiện từng miếng cơm chiếc áo như ngày xưa nữa.

Tuy nhiên, một trong những hệ lụy của điều này là sự phát triển chóng mặt của fast fashion (tạm dịch “thời trang nhanh”). Những người đi theo (và tạo ra) trào lưu fast fashion cho rằng, thời trang là sự chuyển mình liên tục, và nếu tự gọi bản thân là một tín đồ thời trang, bạn cũng phải liên tục cập nhật và thay đổi tủ quần áo của mình. Vô tình, ở thời đại mà chất lượng có thể được đẩy lên cao nhất, sự quan tâm của chúng ta lại dịch chuyển sang phần số lượng.

Nghịch lý “người yêu tôi không có gì để mặc”: cả tủ chưa kịp mặc hết, đồ mới đã lại về, rốt cuộc quá nhiều đồ, lại chẳng biết “nên” mặc cái nào, vì chẳng thấy cái nào hợp, và thế là lại đi tìm mua quần áo khác “hợp” hơn, rồi sau đó…

Tiêu thụ thời trang càng lớn đồng nghĩa với việc quá trình cạn kiệt tài nguyên diễn ra càng nhanh và lượng rác thải ra môi trường càng nhiều. Ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm cho 10% tổng lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, trong đó riêng sản xuất dệt may ước tính thải vào khí quyển 1.2 tỷ tấn khí thải nhà kính mỗi năm. Cũng theo các số liệu nghiên cứu, vòng đời trung bình của một món hàng quần áo ngày nay là 2-10 năm, và chỉ có khoảng 12% vật liệu sử dụng trong công nghiệp dệt may là có thể tái chế.

Vậy nhưng The Millennials Life không nghĩ rằng cần phải trở lại cái thời “ăn chắc mặc bền” như ông bà mình đâu, vì đơn giản chúng ta đang sống trong một thời đại khác, một xã hội khác, thậm chí một thế giới khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể “uyển chuyển”, vẫn có thể “ăn chắc mặc bền” theo cách riêng, không cần phải đi ngược dòng thời đại. Vì suy cho cùng cái chúng ta áp dụng là giá trị và tinh thần “ăn chắc mặc bền”, chứ không phải máy móc đem từng cái quần cái áo đi nhuộm nước củ nâu cho bền màu bền vải như thời xưa.

The Millennials Life gợi ý một số giải pháp cho bạn nè:

  • Đầu tư vào những item basic, chất lượng tốt
  • Nếu là người hay thay đổi phong cách thì bạn có thể trao đổi đồ hoặc quyên tặng những món bạn không mặc nữa
  • 2-2-2 khi mua sắm: trước khi muốn sắm quần áo mới, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây: Hai ngày sau bạn có còn muốn mua món này không? Hai tháng tới bạn có còn dùng nó không? Hai năm sau nó vẫn còn có thể được đem ra dùng không?
  • Tỉnh táo trước “bẫy” giảm giá hoặc mua 1 tặng 1. Đồ đắt tiền là đồ đắt tiền, không có đắt tiền ít hay đắt tiền nhiều.

Nhiều người cho rằng sống xanh là phải sử dụng sản phẩm organic, phải hoàn toàn từ bỏ lối sống cũ, phải là người quan tâm sâu sắc và theo dõi sát sao các vấn đề môi trường, sống xanh chỉ dành cho dân có tiền có thời gian. Nhận định đó không sai, vì hiện tại việc theo đuổi lối sống này vẫn gặp phải những rào cản nhất định. 

Vậy nhưng, nhận định trên chưa chính xác. Chúng ta đâu cần phải từ bỏ hoàn toàn lối sống cũ mới được xem là sống xanh? Không có thay đổi nào có thể xảy ra trong một sớm một chiều cả. Sống xanh tốn tiền? Có thể dùng phương pháp xen kẽ, thay đổi cái này một ít cái kia một ít. Sống xanh phiền phức, tốn thời gian? Thời gian đầu, làm điều gì mới cũng khó cả mà. Thói quen muốn hình thành cần sự kiên nhẫn.

Hoặc thậm chí, bạn không dùng bình nước cá nhân, không chuyển sang thực phẩm organic, không tái chế rác thải vẫn được, chỉ cần mỗi lúc ra khỏi nhà đừng quên tắt điện, không lãng phí nước sử dụng, quần áo hư hỏng thì đem sửa chữa để mặc thêm vài lần trước khi vứt,… cũng được gọi là sống xanh rồi.

Sống xanh chẳng khó lắm đâu. Ông bà mình đã làm từ lâu rồi mà!

Tags: sống xanhsustainable
Previous Post

Giải mã những thắc mắc về Tenet qua 6 câu thoại đắt nhất phim

Next Post

Tài tử "Black Panther" Chadwick Boseman qua đời ở tuổi 43

user

user

Next Post

Tài tử "Black Panther" Chadwick Boseman qua đời ở tuổi 43

No Result
View All Result

Categories

  • Book
  • Brands
  • Cine
  • Destination Review
  • Entertainment
  • Explore
  • Foods & Drinks
  • Footwear
  • Lifestyle
  • News
  • Nổi bật
  • Shopping
  • Show & Event
  • Stay
  • Travel
  • Uncategorized

Recent.

Friends with Benefits 101: Nền tảng của sự "không rõ ràng"

Friends with Benefits 101: Nền tảng của sự "không rõ ràng"

September 21, 2020
Lạ lẫm các món ăn fusion làm theo ẩm thực Việt

Lạ lẫm các món ăn fusion làm theo ẩm thực Việt

September 21, 2020
The Devil All The Time: Sự kết hợp đầy đen tối của "Người Nhện," "Batman" và "Winter Soldier."

The Devil All The Time: Sự kết hợp đầy đen tối của "Người Nhện," "Batman" và "Winter Soldier."

September 21, 2020

© 2020

Navigate Site

Follow Us

No Result
View All Result
  • Home
    • Home – Layout 1
    • Home – Layout 2
    • Home – Layout 3
    • Home – Layout 4
    • Home – Layout 5
  • Footwear
  • lifestyle
  • Travel

© 2020