Song song với sự phát triển lớn mạnh và đa dạng của ngành công nghiệp trên thế giới là hiện trạng nguồn tài nguyên bị khai thác nặng nề và môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Trong đó, ngành công nghiệp thời trang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai thế giới, sau ngành công nghiệp dầu mỏ.
Theo thống kê của Business Insider, lượng khí thải carbon ngành công nghiệp thời trang thải ra phải chiếm đến 10% tổng lượng carbon trên thế giới. Chưa dừng đó, ngành thời trang có lượng tiêu thụ nước lớn thứ hai trên thế giới. Phải mất khoảng 2.700 lít nước để làm một chiếc áo phông cotton và 20% ô nhiễm nước công nghiệp xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may. Trong một bài báo của trang Huffington Post, phải mất gần 151 gram phân bón tổng hợp để trồng được 453 gram bông thô để làm một chiếc áo phông. Quá trình chế tạo nguyên liệu thô thành vải để làm quần áo đòi hỏi hơn 8000 hóa chất độc hại – như kim loại nặng, chất chống cháy, amoniac, phthalates và formaldehyde – không những cho môi trường tự nhiên mà còn cho chính con người chúng ta.
Chính vì những tác động tiêu cực đó mà hiện nay, ngành thời trang đã dần chuyển đổi theo phương thức phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Việc sáng tạo ra sản phẩm mới, có giá trị cao từ những nguyên liệu cũ, lỗi thời có giá trị thấp đã trở thành giải pháp tiên quyết cho ngành công nghiệp này. Deadstock đã “ra đời” và được ưa chuộng trong ngành thời trang bền vững bởi tính thân thiện với môi trường của nó.
1. Deadstock là gì?

Deadstock hiểu đơn giản là những phần vải không được sử dụng bởi nhà máy hoặc thương hiệu đã chế tạo ra nó. Có thể là vì vải bị chuyển sang màu xanh lam trong khi yêu cầu lại là nhuộm tím. Cũng có thể đó là những mét vải thừa vì vô tình đặt hàng nhiều hơn so với dự tính ban đầu. Hoặc đơn giản là vải không phù hợp với thiết kế. Vì một lý do nào đó, phần vải không được sử dụng trong sản xuất sẽ trở thành “deadstock.”
2. Tại sao deadstock được cho là sự khởi đầu mới của ngành thời trang?

Nếu như trước đây, số vải thừa không được sử dụng sẽ bị đem chôn, thiêu hủy, hay bỏ ở các bãi rác, thì ngày nay, người ta đề cao việc tái sử dụng deadstock để phục vụ cho các thiết kế mới thay vì phải sản xuất từ các chất liệu mới. Các nghiên cứu cho thấy mỗi năm chúng ta lãng phí hơn 16 triệu tấn vải dệt, trong đó có đến 2/3 tổng số vải không được dùng đến đều bị tiêu hủy. Việc sử dụng vải deadstock có thể “cứu sống” lượng vải “vô dụng” đấy.
Deadstock không chỉ làm giảm lượng vải thừa bị vứt đi mà còn tiết kiệm được nguồn nhiên liệu cần có trong quá trình sản xuất vải mới. Ngoài ra, nó còn hạn chế lượng carbon thải ra từ việc vận chuyển hàng hóa từ nhà máy sản xuất nên nơi thiết kế. Đặc biệt, vải deadstock thường được thương hiệu nhỏ chuộng dùng cho các thiết kế của mình. Không những đảm bảo được chất lượng vải tốt (vì họ mua lại vải cũ của các thương hiệu lớn có uy tín), mà còn vì tính độc lạ (limited) của chất, kiểu vải. Thường thì vải deadstock được xem là một lựa chọn tuyệt vời cho các bộ sưu tập phiên bản giới hạn. Nó cho phép các thương hiệu thỏa sức sáng tạo trên nền nguyên liệu vải sẵn có.
3. Deadstock có thật sự “xanh” ?

Một trong những vấn đề lớn của vải deadstock là thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc. Do đa phần deadstock được chất ngẫu nhiên ở các cửa hàng bán vải cũ nên đôi khi việc xác định được thông tin của vải gần như là “mò kim đáy bể.” Vì không có nhãn hiệu trên vải, rất khó để xác định phần vải deadstock đó xuất xứ từ đâu, được làm từ nguyên liệu gì, liệu vải có nguồn gốc bền vững hay không. Thêm vào đó là việc định đoạt chất lượng và đặc tính của vải (độ co giãn, khả năng thoáng khí.. ) sẽ trở nên khó khăn hơn. cũng sẽ khó xác định.
Ngay cả việc mua lại vải deadstock từ cái thương hiệu lớn để kiểm tra nguồn gốc và thông tin về vải cũng không thể đảm bảo được đó là vải “xanh.” Theo lời ông Yshai Yudekovitz, người phụ trách thu mua tại cửa hàng vải high-end B&J ở New York, “Hiếm khi nào các nhà máy sản xuất sẽ tiêu hủy sản phẩm của mình. Hãy nghĩ xem, đối với quần áo secondhand, người sản xuất sẽ tìm cách bán ra nước ngoài để lấy lời nếu như họ không thể tiêu thụ ở thị trường trong nước. Tương tự với những cuộn vải deadstock. Người sản xuất cũng sẽ tìm mọi cách để thuyết phục người khác mua sản phẩm của mình.” Ông nói thêm rằng một số thương hiệu, do không sử dụng hết vải thừa của mình, sẽ cố tình bán nó sang một quốc gia khác để vừa thu hồi vốn, vừa tránh cho xấp vải này xuất hiện trên thị trường và cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu của mình.
4. Vậy liệu deadstock có là tương lai của thời trang bền vững?

Đối với các nhà bán lẻ thời trang có tên tuổi và hoạt động trên quy mô lớn, sự giới hạn về số lượng cũng như những thách thức về việc truy xuất nguồn cung ứng của vải deadstock sẽ là rào cản lớn để chất liệu này có thể thay thế được với các nguồn vải truyền thống. Song, đối với cái thương hiệu vừa và nhỏ đang tìm cách giảm thiểu tác động của việc sản xuất thời trang đến với môi trường, deadstock có thể là một trong những ứng cử viên sáng giá.